Được biết đến là một trong ba đền tháp linh thiêng, nổi tiếng của vùng đất Panduranga. Cùng với tháp Hòa Lai, Po Klong Garai, tháp Po Rome Ninh Thuận là những gì cuối cùng, còn sót lại thể hiện cho nét nghệ thuật tuyệt mĩ của người Chăm xưa sau hàng trăm năm lịch sử. Tháp là nơi thờ thần Visa và vua Po Rome, vị vua độc lập cuối cùng của Champa.
Đền tháp hiện ngự trên hai quả núi thấp của thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng chừng 15km về phía Nam.
- Xem thêm: Tháp Hòa Lai Ninh Thuận và sự thật đằng sau ÍT AI BIẾT ĐẾN
- Xem thêm: Tháp Pôklông Garai Ninh Thuận: kiến trúc độc đáo vượt thời gian
- Xem thêm: Cuộc hôn nhân Vua Po Rome và công nữ Ngọc Khoa
- Xem thêm: Lễ Hội Kate: nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm Ninh Thuận
Tháp Po Rome và bản sao không hoàn hảo của tháp Po Klong Garai
Theo đó, tháp Po Rome là công trình gạch cổ kính còn nguyên vẹn nhất hiện nay của người Chăm tại vùng Panduranga. Nhìn tổng thể, có thể thấy, tháp Po Rome không phải là đền tháp thờ thần như phần lớn các tháp Chăm khác mà là thờ vua Po Rome, vị vua được người Chăm hóa thần khi băng hà.
Về phong cách kiến trúc, thì giới nghiên cứu cho rằng, đây là bản sao không hoàn hảo của tháp Po Klong Garai. Tiêu điểm, tháp Po Rome được xây theo phong cách kiến trúc hậu Bình Định – thời kì muộn (phong cách muộn), phong cách tiêu biểu sau phong cách Hòa Lai (TK IX – XII).
Cụ thể khi quan sát, tháp là một công trình gồm hai ngôi tháp, tháp chính, tháp phụ và một cái miếu nhỏ. Trong đó, tháp chính là nơi thờ phượng vua Po Rome và hoàng hậu Po Bia Sancan. Tháp còn lại là tháp phụ thờ hoàng hậu Pra Sucih, đặc biệt gần tháp phụ còn là khu mộ táng của vua Po Rome.
Điểm nhấn, đặc sắc của công trình này là tập trung hết vào ngôi tháp chính. Ngôi tháp cao khoảng 8m, cạnh đáy rộng gần 8m. Tháp có mặt chính quay về hướng Đông, trên cửa chính có các tầng hình vòng cung, dưới các hình vòng cung là hình tượng thánh Siva và hình ngọn lửa.
Cũng như ngôi tháp chính Po Klong Garai, tháp Po Rome có một cửa chính ra vào, ở các cửa giả có hình các vị thần bằng đá trong tư thế ngồi, khuôn mặt các vị thần mang đậm nét bản địa.
Về phần mái của ngôi tháp thì có ba tầng, mỗi tầng có 4 tháp góc, trên đỉnh mỗi tháp góc có trang trí búp sen bằng đá và hình ngọn lửa trang trí ở 4 góc. Đặc biệt trong mỗi hốc giả là hình ảnh một vị thần đang ngồi chắp tay trong tư thế cầu nguyện. Bên trong là tượng bò thần Nadin nằm bên tay trái.
Từ những điều này, trong quá trình nghiên cứu và đánh giá của giới nghiên cưu: “Tháp Po Rome là công trình kiến trúc lớn, nhưng nếu so với các tháp cổ hơn hiện còn thì tháp Po Rome quả là thô và nghèo nàn. Điều này thể hiện rất rõ qua hình dáng và kích thước của tháp.
Nội thất bên trong là bài trí đơn giản của tượng thờ vua Po Rome cao 1,2m được tạc từ Linga 8 tay đặt trên một bệ gỗ. Gần với tượng vua Po Rome là tượng bán nữ thần hoàng hậu Po Bia Sancan cao khoảng 0,75m.”
Bằng những đánh giá này, có thể kết luận rằng, tháp Po Rome là công trình kiến trúc có quy mô nhỏ nhất trong số các đền tháp ở Ninh Thuận. Làn ngôi tháp có tuổi đời trẻ nhất trong tất cả đền tháp Chăm ở Việt Nam, đồng thời là công trình còn nguyên vẹn nhất.
Ngày 31 tháng 8 năm 1992, Bộ Văn Hóa Thông Tin (Nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du Lịch) đã công nhận tháp Po Rome là di tích kiến trúc nghệ thuật tháp.
Và cũng như bao đền tháp khác, hàng năm vào tháng 4, tháng 7, tháng 9 và tháng 11 Chăm lịch. Đồng bào Chăm lại náo nức, chuẩn bị lễ cúng để tổ chức nhiều lễ hội quan trọng như …
- Lễ cầu đảo (Yuer yang) diễn ra vào tháng 4 Chăm lịch.
- Lễ Kate (Mbeng Katé) diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch.
- Lễ cúng tưởng nhớ người mẹ Xứ sở (Cambur) được tổ chức vào tháng 9 lịch Chăm.
- Lễ mở cửa tháp (Peh Mbeng Yang) diễn ra vào tháng 11 (Bilan Puis) Chăm lịch.
Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp vua Po Rome
Một trong điểm nhấn đáng chú ý về thời trị vị của vua Po Rome là cuộc hôn ước mang tính chính trị giữa Po Rome và công nữ Ngọc Khoa. Trước cuộc hôn ước này, Đại Việt và Chiêm Thành (Champa nay) đã diễn ra một cuộc hôn ước vào thời nhà Trần năm 1306 giữa vua Chế Mân (Jaya Shimhavarman III) và Huyền Trân Công Chúa.
Giao ước của cuộc hôn nhân mang tính lịch sử này được vua Trần Nhân Tông hứa hẹn trong chuyến du ngoạn thăm Chiêm Thành trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm 1301.
Đáp lại hôn ước với Đại Việt, Jaya Shimhavarman III đã cắt châu Ô và châu Lý làm sính lễ. Về sau, hai châu này được đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu (này là vùng đất từ tỉnh Thừa Thiên – Huế đến bờ sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị).
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đến nay cuộc hôn nhân mang tính chính trị của vua Jaya Shimhavarman III và Huyền Trân Công Chúa vẫn còn nhiều tranh cãi lớn.
Đến thời vua Po Rome cũng vậy, trước tình hình chính trị đang gặp nhiều rắc rối của chúa Nguyễn, trước thì phải đối đầu với chúa Trịnh ở đàng ngoài, sau thì sợ Champa đánh úp, lại thêm mối lo ở Chân Lạp.
Để ổn định, trong vòng 10 năm, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định gả hai nàng công nữ cho hai vua của Champa và Chân Lập. Cụ thể, cuộc hôn ước đầu tiên của công nữ Ngọc Vạn và vua Chân Lạp Chey Cheeta II vào năm 1620. Và cuộc hôn nhân thứ hai vào năm 1631 giữa công nữ Ngọc Khoa và vua Chăm Po Rome.
Cả hai cuộc hôn nhân này đều mong muốn mối giao bang ngày càng tốt đẹp. Tuy nhiên, đến thời chúa Nguyễn Phúc Tần, từ mối giao bang hòa hữu qua cuộc hôn nhân với Champa đã trở thành cuộc chiến quyết định số mệnh của vương quốc này.
Với ý chí khôi phục và đòi lại những vùng lãnh thổ của Champa đã mất vào tay Đại Việt. Vua Po Rome đã phát động một cuộc chiến trên quy mô lớn.
Sử kể, Po Rome là vị vua có tài thao lược và ngoại giao rất tốt. Khi được vua Chăm Islam Po Mưh Taha nhường ngôi vào năm 1627, Po Rome đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Minh chứng cho điều này, Po Rome rất chú trọng vấn đề ngoại giao với nhiều nước có liên hệ với Champa như Indonesia, Malaysia … không biết mục đích của ngài có phải đi cầu viện hay không? Thế nhưng sự chú trọng ngoại giao này nói lên vua Po Rome là người có tầm nhìn lớn trong việc củng cố tình hữu nghị với các nước lân bang.
Khi thấy đã lớn mạnh, cũng đến lúc Po Rome thực hiện ý chí đòi lại lãnh thổ đã mất từ tay Đại Việt. Tuy nhiên, lúc này chúa Nguyễn cai trị đàng trong quá mạnh và kết quả cho mọi sự cố gắng của Champa và Po Rome là mọi thứ chấm hết vào năm 1653 khi Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc mang 3,000 quân đánh chiếm vùng đất còn lại của Champa từ Nha Trang đến Sông Phan Rang.
Cuộc chiến kết thúc, vua Po Rome đã thất bại trong trận chiến này. Ngài bị bắt và nhốt vào rọ, bỏ đói bỏ khát trên đường đưa về Huế. Để giữ hồn khí của một đất minh quân, vua Po Rome đã tự kết liễu bản thân mình.
Cảm phục và ghi ơn đến vị vua anh minh, tài ba của đất nước. Nhân dân Champa đã xây dựng một đền tháp mang tên ngài. Là nơi thờ cúng linh hồn, hóa thân vị vua có nhiều công lao trong cuộc đời trị vị đất nước của mình.
Thông tin tham quan tháp Po Rome Ninh Thuận
- Địa chỉ: Thôn Hậu Sanh – xã Phước Hữu – huyện Ninh Phước – Ninh Thuận.
- Thời gian: từ 7h00 – 17h30 hàng ngày.
- Giá vé: đang cập nhật.
>>> Xem thêm: Top 15 Địa Điểm Du Lịch Ninh Thuận hấp dẫn nhất hiện nay
Blogger: Kafin (chàng trai yêu văn hóa Chăm)