.single .entry p, .single .entry ul li, .single .entry ol li { line-height: 32px !important; }

Tháp Hòa Lai Ninh Thuận và sự thật đằng sau ÍT AI BIẾT ĐẾN

Hòa Lai là tên gọi của một địa danh, đồng thời là tên của một cụm đền tháp Chăm nổi tiếng. Đặc biệt, Tháp Hòa Lai Ninh Thuận còn là tên gọi của một phong cách kiến trúc nghệ thuật điển hình của Champa trong khoảng thế kỷ IX đến thế kỷ XII. 

Vậy nguồn gốc của địa danh Hòa Lai và đền tháp Hòa Lai xuất phát từ đâu? Địa danh Hòa Lai, tháp Hòa Lai và phong cách nghệ thuật Champa Hòa Lai có gì thú vị? Để hiểu hơn về những điều này, bài viết dưới đây sẽ đề cập tất cả về một nơi, một điểm vô cùng nổi tiếng của Ninh Thuận.

Về tên gọi của tháp Hòa Lai: Nguồn gốc từ những biến đổi lịch sử

Cho đến nay, tên gọi về cụm đền tháp Hòa Lai Ninh Thuận (tên gọi khác Ba Tháp) vẫn còn là một tranh cãi lớn. Hòa Lai là tên gọi theo phong cách Hòa Lai – Phong cách tiêu biểu trong nền kiến trúc nghệ tiêu biểu Champa thế kỷ IX. Hay Hòa Lai là tên của một địa danh của Ninh Thuận khi vua Minh Mạng xuống chiếu chính thức sáp nhập vào Đại Việt?

Để giải thích cho điều này, trong quá trình khảo cổ cụm đền tháp Hòa Lai có đề cập rằng: “Ở Ninh Thuận, hiện có hai ngọn tháp Chăm đứng cạnh Quốc lộ 1A, nhưng lại được gọi là Ba Tháp, bởi trong quá khứ tại đây có ba ngôi tháp nhưng có một ngôi tháp đã bị sụp đổ nên mới có tên gọi như vậy. Ngoài tên gọi Ba Tháp, người Ninh Thuận còn gọi đây là đền tháp Hòa Lai.”

Ba Tháp Ninh Thuận
Tàn tích của Tháp Hòa Lai (Ba Tháp Ninh Thuận) chưa được phục chế – Ảnh: Quang Trần

Còn trong bài viết về “Nguồn gốc địa danh…” của Chế Vỹ Tân về địa danh Hòa Lai có đề cập: “…là một địa danh ở bắc Ninh Thuận thường được gọi là Ba Tháp, thuộc xã Tân Hải, huyện Ninh Hải. Trên Quốc lộ số 1, du khách bắt gặp hai ngọn tháp Chăm cổ kính tọa lạc phía đông con đường, cách ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận khoảng 8km (ngọn thứ ba đã bị đổ nát từ lâu). Nơi đây chính là Hòa Lai. Xưa kia địa danh này mang tên là Bal Lai (thủ đô đã điêu mất). Chính từ Bal Lai này đã được phiên âm thành Hòa Lai”.

Bằng việc giải thích này của Chế Vỹ Tân, có thể bước đầu có thể hiểu rằng, Hòa Lai là tên được phiên âm lại từ người Kinh vùng Ninh Thuận dựa theo từ Bal Lai (tên gọi của một thủ đô đã bị mất trong lịch sử).

Hòa Lai và Thuận Lai: Những lý giải gắn liền với phủ Ninh Thuận xưa

Ngoài tên gọi Tháp Hòa Lai, gần cuối thế kỷ XIX, ngay vị trí của đền tháp xuất hiện một tên gọi mới là Ninh Lai. Vậy, đâu mới là địa danh và tên gọi chính xác của đền tháp này?

Theo đó, vùng đất Ninh Thuận trước năm 1888 gọi là phủ Ninh Thuận, thuộc tỉnh Bình Thuận. Sự trực thuộc này bắt buộc các dịch trạm (trạm thông tin liên lạc) đều bắt đầu bằng chữ “Thuận”. Theo địa lý từ Bắc vào Nam lần lượt là Thuận Lai, Thuận Mai, Thuận Trinh, Thuận Lãng, …

Trong các dịch trạm này, có một dịch nằm giữa ranh giới Khánh Hòa và Bình Thuận là Hòa Thuận (tên gọi của sự ghép nối của hai chữ cuối của hai tỉnh). Không riêng gì hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, giữa ranh giới hai tỉnh như Khánh Hòa và Phú Yên có dịch trạm Phú Hòa; Phú Yên và Bình Định có dịch trạm Bình Phú; Bình Thuận và Biên Hòa có dịch trạm Thuận Biên, … 

Minh chứng cho điều này, trong cuốn “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định” viết năm 1806 ghi rõ: “Từ dịch trạm Hòa Thuận đi khoảng 4876 tầm (1 tầm= 2,12m, 4,876 khoảng 10 km) là đến dịch trạm Thuận Lai: “đến quán nghỉ trạm Thuận Lai, trước mặt trạm có quán nghỉ, khách đi đường có thể nghỉ lại” (chí quán cư Thuận Lai dịch. Trạm tiền hữu quán cư, hành nhân khả trú túc). 

Tháp Hòa Lai
Độc đáo và riêng biệt của kiến trúc Hòa Lai – Ảnh: Quang Trần

Qua khỏi trạm Thuận Lai 1600 tầm (khoảng hơn 3 km) đường đi bằng phẳng, hai bên là rừng thưa, phía tây đều là ruộng cấy lúa, phía đông có ba tòa tháp cổ, tục gọi tháp Cao Miên, nay đã đổ nát (kỳ lộ bình thản, lưỡng bàng sơ lâm, lộ tây điền trù, lộ đông hữu tam cổ tháp, tục danh Cao Miên tháp. Kim dĩ đồi hoại)”.

Còn trong cuốn “Đại Nam nhất thống chí” thì nói, cụ thể trạm Thuận Lai: “Ở thôn Nhơn Sơn huyện An Phước, phía bắc đến trạm Hòa Quân tỉnh Khánh Hòa 43 dặm linh, phía nam đến trạm Thuận Mai 20 dặm linh”. Nếu tính từ bắc vào nam thì dịch trạm Thuận Lai là dịch trạm đầu tiên trên đất Bình Thuận, nếu tính từ nam ra bắc thì dịch trạm Thuận Lai là dịch trạm thứ 16 và cũng là dịch trạm cuối cùng trên đất Bình Thuận.

Tháng giêng năm Mậu Tý (1888): “phủ Ninh Thuận, nguyên vẫn lệ thuộc ở tỉnh Bình Thuận, nên trích ra cho lệ thuộc vào tỉnh Khánh Hòa. Các dịch trạm trên đất Khánh Hòa đều bắt đầu chữ “Hòa” như: Hòa Mã, Hòa Lãng, Hòa Huỳnh, Hòa Cát, Hòa Thạnh, Hòa Tân, Hòa Do, Hòa Quân. 

Do lệ thuộc vào tỉnh Khánh Hòa, cho nên các dịch trạm Thuận Lai, Thuận Mai, Thuận Trinh, Thuận Lãng nằm trên phần đất phủ Ninh Thuận được đổi chữ “Thuận” thành chữ “Hòa” cho giống các dịch trạm trên đất Khánh Hòa và dịch trạm Thuận Lai được đổi thành Hòa Lai. Như vậy, trước khi tên gọi Hòa Lai xuất hiện, trên gọi trước đó của địa danh này là Thuận Lai. 

Từ tên gọi Hòa Lai đến địa danh mới Ninh Lai

Tiếp tục làm rõ về địa danh Hòa Lai, trong ghi chép của tác phẩm “De Qui Nhon en Cochinchine”bởi tác giả J. Brien xuất bản năm 1893.

Dẫn lời: “Sau khi phủ Ninh Thuận nhập vào đất Khánh Hòa hơn 5 năm) cho biết là từ trạm Hòa Quân (Cam Ranh) đến trạm Hòa Lai có chiều dài là 26,620 km và ông viết về trạm Hòa Lai.”

J. Brien viết:“Le tram de Hòa Lai est très vaste, construit en briques, entouré d’un mur en pierres avec une cour dallée. C’est le plus beau de tous les relais de trams de l’Annam. Nghĩa là: Trạm Hòa Lai rất rộng, xây bằng gạch, được bao quanh bằng một bức tường đá với một cái sân lát gạch. Đó là cái trạm dừng đẹp nhất trong tất cả các trạm của xứ An Nam.”

Tiếp lời: “A trois kilomètres de Hòa Lai, on trouve à gauche, sur le bord de la route, les ruines de trois tours chams, encore bien conservées et rappelant celles du Binh Đinh et de Nha Trang” (Cách Hòa Lai 3 ki lô mét, người ta tìm thấy ở phía trái, bên lề đường, phế tích 3 tháp Chàm, hãy còn giữ gìn kỹ, nhắc nhớ tới những cái[tháp] ở Bình Định và Nha Trang).

Tháp Hòa Lai Ninh Thuận
Hoa văn đặc trưng của kiến trúc Hòa Lai – Ảnh: Quang Trần

Đó là những ghi chép thực tế của J. Brien. Trước khi vua Gia Long lên ngôi vào năm 1902, tháng 3 năm Tân Sửu (1901), chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đã có một thông chiếu: “Bắt đầu đặt đạo Ninh Thuận (trích phủ Ninh Thuận và huyện An Phước tỉnh Khánh Hòa lập thành một đạo, lỵ sở đặt ở xứ Phan Rang) lấy Tri phủ Nguyễn Văn Thụy thăng làm Quản Đạo”.

Việc đưa ra thông chiếu này là do Ninh Thuận không còn trong phần đất Khánh Hòa và được nâng lên thành đạo Ninh Thuận. Đến tháng 9 năm Tân Sửu (1901) các dịch trạm như  Hòa Lai, Hòa Mai, Hòa Trinh ở đạo Ninh Thuận được đổi thành Ninh Lai, Ninh Mai, Ninh Trinh để có phân biệt”.

Như vậy địa danh Hòa Lai bắt đầu xuất hiện vào năm 1888 và tồn tại đến tháng 9 năm Tân Sửu (1901) thì được đổi thành Ninh Lai. Vào thập kỷ cuối của thế kỷ XIX các nhà khảo cổ đã lấy địa danh dịch trạm Hòa Lai đặt tên cho cụm di tích Ba Tháp gần đó (cách dịch trạm Hòa Lai khoảng 3km) nên mới có tên tháp Hòa Lai.

Qua những ghi chép này có thể nói, địa danh Hòa Lai và tên gọi của tháp Hòa hiện nay hoàn toàn có nguồn gốc mang yếu tố ngôn ngữ Việt chứ không hề có chút yếu tố Chăm nào cả. Cũng có thể nói thêm, đã có một sự trùng hợp về tên gọi giữa địa danh và lối phong cách kiến trúc “Hòa Lai” của Champa khi cụm đền tháp Hòa Lai được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX – thời kinh phong cách Hòa Lai của Champa thịnh hành nhất.

Khám phá đền tháp cổ Hòa Lai – Công trình kiến trúc nghệ thuật kiêu hãnh sau 1000 năm tồn tại

Qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tế của H. Parmentier đầu thế kỷ XX được PGS.TS Ngô Văn Doanh ghi trong cuốn “Tháp cổ Champa”: “Nguyên khởi, Hòa Lai là một khu di tích lớn nằm trên vùng đất cao nhất của một cánh đồng dài và rộng ở phía Bắc Phan Rang. Cả khu di tích được xây dựng trong khoảng đất hình chữ nhật kéo dài dài theo hướng Đông – Tây 200 mét và chiều rộng hướng Bắc – Nam 125 mét.

Khác với những cụm tháp cùng thời. Cụm di tích tháp Hòa Lai nổi bật bởi ba dãy kiến trúc (tháp Nam, tháp Bắc và tháp trung tâm) xếp dọc theo hướng Đông – Tây, một bể nước hình chữ nhật (dài 50 mét và rộng 10 mét) và một bức tường gạch ở góc Đông – Bắc.”

Tháp Hòa Lai Ninh Thuận
Toàn cảnh cụm Tháp Hòa Lai dọc trên quốc lộ 1A. Ảnh: Quang Trần

Cuối thế kỷ XX, nhằm phục vụ quá trình nghiên cứu, quan chức địa phương đã cho phá hủy tháp trung tâm. Trước đó, vì những tác động của thời gian và chiến tranh, bể nước và tường thành cũng đã mất đi. Đến nay, sau hơn 12 thế kỷ tồn tại, cụm di tích chỉ còn tháp Nam, tháp Bắc và phần nền của tháp trung tâm.

Mặc dù tổng thể công trình tháp Hòa Lai chỉ còn tháp Nam và tháp Bắc. Tuy nhiên, những gì còn lại đều rất hòa hợp với nhau, thể hiện một chất riêng rất đặc biệt. 

Cụ thể, ngôi Tháp Bắc cao, hoàn toàn được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú huyền thoại, hoa lá… đầy tinh xảo. Ở hướng Đông tháp có một cửa vào, 3 hướng còn lại chỉ là cửa giả như bao đền tháp khác. Càng vào trong, tháp xây dựng gạch nhỏ dần lên, có các ô hình tam giác để gắn đèn khi cúng tế. 

Tháp Nam cao hơn Bắc, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang phác thảo. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương khoẻ nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. 

Đúng thuần theo phong cách nổi bật một thời, lối trang trí hoa văn bên ngoài mặt tháp Nam và Bắc chỉ giới hạn ở vòm cửa, ở các trụ ốp, ở bộ diềm mái. Lối trang trí này vừa mang tính chức năng nhấn mạnh cho các thành phần cấu trúc vừa phô bày vẻ đẹp của các hoa văn.

Không những vậy, đền tháp Nam và Bắc còn nổi bật bởi những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giả và các ô khám của các tầng. Đặc biệt là vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình cuộn vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh là một điểm nhất rất hấp dẫn.

Ngoài ra, lối phong cách hòa lai còn ấn tượng bởi hình ảnh của khoảng tường giữa hai trụ ốp được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá; bộ diềm mái là nơi hiện diện những hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh. 

Năm 1986, một phát hiện quý báu của Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận đã khi tìm thấy một linga bằng đá (sa thạch) ở khu vực Tháp. Việc phát hiện này không chỉ riêng về văn hóa mà còn là lịch sử. Quan trọng là minh chứng rõ hơn về một quá trình thịnh vượng trong việc phát triển kiến trúc, nghệ thuật và điêu khắc của vương quốc Panduranga.

Năm 1997, Bộ Văn hóa – Thông tin đã cấp bằng công nhận cụm tháp Hòa Lai là di tích lịch sử quốc gia.

Bài viết hoàn thành dựa trên những thông tin ghi chép từ cuốn “Tháp cổ Champa” của PGS TS Ngô Văn Doanh, cùng quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực địa của bản thân.

Blogger: Kafin

Về Ninh Thuận Review

NINHTHUANREVIEW.COM - Cổng Thông Tin Du Lịch Ninh Thuận Trực Tuyến: một Website địa phương ra đời như một người bạn muốn cung cấp những thông tin cần thiết cho du khách đang tìm kiếm thông tin Du Lịch Ninh Thuận một cách chân thật và chính xác nhất.

Đọc thêm

chùa ninh thuận nổi tiếng

Top 7 Ngôi chùa Ninh Thuận nổi tiếng đẹp nhất hiện nay

Bài viết tổng hợp những ngôi chùa Ninh Thuận nổi tiếng và đẹp nhất phù …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *